· Tây Thành Thánh Thất
Vào giữa năm 1949, chư vị trong Hội giáo Cao Đài Thượng Đế hợp tác với bác sĩ Cao Sỹ Tấn xây dựng trụ sở Chẩn tế và khuyến thiện. Được cụ bà Hội Đồng Võ Văn Thơm nhường cho sử dụng miếng đất, Anh lớn Phan Lương Báu cho bộ cột, sườn nhà (lẫm lúa), cụ Trần Đắc Nghĩa cho ván lót gác, việc xây dựng được khởi công từ tháng 9-1949 đến 11-1949 là hoàn tất. Cơ quan chẩn tế được khai trương vào tháng 12-1949. Đến 1950, đàn cơ tại Huệ Đức Thanh Ơn Trên dạy thiết trí điện thờ Đức Chí Tôn trên gác, ban cho ngôi thờ tự tên Tây Thành Thánh Thất và định ngày khánh thành là 27-8 năm Canh Dần nhằm 10-9-1950. Ngày khánh thành có thượng lá phướn vàng mang hàng chữ : “TÂY THÀNH XUẤT HIỆN QUY BÁ GIÁO HIỆP NGŨ CHI CHUYỂN CÀN KHÔN HOÀ BÌNH THẾ GIỚI” khiến các vị lãnh đạo Hội giáo Cao Đài Thượng Đế không dám đến dự, rồi từ đó không dự vào việc cai quản Tây Thành Thánh Thất. Mọi việc đều do ông Võ Văn Ngàn quán xuyến. Lúc đó trên bảng của thánh thất, người ta thấy bên dưới chữ TÂY THÀNH THÁNH THẤT có 2 chữ Pháp Union Caodaiique (Cao Đài Qui Nhứt -NV), nhân sự của Tây Thành gồm người đạo thuộc các chi phái khác nhau và từ nhiều địa phương khác về đây hành đạo.
·Huệ Đức Thanh (Cầu củi) – Huệ Đức Thanh (Cồn Cái Khế) :
Sau năm 1945, bổn đạo Chiếu Minh trong thành phố Cần Thơ lập Thánh Tịnh Huệ Đức Thanh ở khu Cầu củi đường Nguyễn Trãi Cần Thơ. Văn phòng Hội giáo Cao Đài Thượng Đế đặt nơi đây. Chánh Hội Trưởng là Cụ Lê Quang Nghi.
Năm 1951, có 24 vị được phong thánh danh tại Huệ Đức Thanh. Đàn cơ ngày 14 tháng Chạp năm Tân Mão phong cho Thập nhị Thiên Huyền : Thiên Huyền Vân (cụ Phạm Thành Nam), Thiên Huyền Quang (cụ Lê Quang Nghi), Thiên Huyền Đức ( cụ Phan Lương Báu), Thiên Huyền Huỳnh (cụ Phan Lương Hiền), Thiên Huyền Linh (cụ Phan Lương Thiệu), Thiên Huyền Thanh (cụ Phan Lương Bản), Thiên Huyền Minh (cụ Hồ Quang Sớm), Thiên Huyền Võ (cụ Hồ Quang Hinh), Thiên Huyền Pháp (cụ Huỳnh Quốc Lập), Thiên Huyền Tâm ( cụ Nguyễn Văn Tự), Thiên Huyền Lạc (cụ Võ Văn Chà), Thiên Huyền Chơn (cụ Nguyễn Thành Tựu).
Đàn cơ ngày Rằm tháng Chạp năm Tân Mão 1951 phong cho Thập Nhị Bạch Diệu :
Bạch Diệu Nhựt (bà Lê Quang Nghi), Bạch Diệu Nguỵệt (bà Phạm Thành Nam, Bạch Diệu Thiện (bà Phan Lương Hiền), Bạch Diệu Minh (bà Phan Lương Thiệu), Bạch Diệu Vân (bà Phan Lương Báu), Bạch Diệu Hồng (bà Phan Thị Liêng), Bạch Diệu Chơn (bà Phan Lương Bản), Bạch Diệu Từ (bà Nguyễn Thị Hường), Bạch Diệu Huệ (bà Lưu Thị Phụng), Bạch Diệu Tâm (bà Hồ Quang Sớm), Bạch Diệu Đức (bà Nguyễn Văn Tự), Bạch Diệu Hoà (bà Võ Văn Chà).
Cũng trong khoảng thời gian này, bộ kinh Ngọc Đế Chơn Truyền của Hội thánh Bạch Y được lịnh mang qua Huệ Đức Thanh để Ơn Trên duyệt.
Năm 1964 Thánh Tịnh Huệ Đức Thanh bị cháy rụi trong trận hỏa hoạn thiêu hết khu Cầu Củi đường Nguyễn Trãi Cần Thơ. Văn phòng Ban Quản Lý Hội Giáo phải tạm dời về tư gia Anh Lớn Thiên Huyền Minh.
Năm 1969 đàn cơ tại Tây Thành Thánh Thất dạy các vị : Thiên Huyền Vân, Thiên Huyền Minh, Võ Khúc Tinh, và đồng tử Ngọc Ánh Huỳnh hiệp cùng nhiều đoàn khác, trong đó có Anh lớn Huỳnh Đức, có cả Minh Sư… lên Tây Ninh để bàn cơ thống nhứt. Mùng 8 Tết đoàn đến Toà Thánh Tây Ninh, quí anh lớn Cao Hoài Sang, Phạm Tấn Đãi, Lê Thiện Phước tiếp đoàn, nhưng không bàn bạc gì cả vì không thoả thuận được dùng đồng tử nào để lâp đàn.
Năm 1971 Ban Cai Quản Tây Thành Thánh Thất đồng ý cho Ban Quản Lý Hội Giáo Cao Đài Thượng Đế được dời văn phòng về đặt tại Tây Thành. Ngày 15-12-1972 Liên giao 2 gồm 18 hội thánh họp tại Tây Thành Thánh Thất đã ký kết Thỏa Ước Tây Thành.
Một vị chức sắc Bạch Y thế danh là Trần Thị Tư, thánh danh là Ngọc Chi Liên về hành đạo tại Tây Thành Thánh Thất trong thời gian từ ngày 2-1-1971 đến 20-7-1973, độ được rất nhiều người ăn chay nhập môn theo đạo. Ngày 6-5-1971 Chủ trưởng Ban cai quản Phước Thiện Tây Thành Thánh Thất xin gia nhập Giáo hội Trung Ương Cao Đài Thống Nhứt để cho các tu sĩ được hưởng chế độ hoãn dịch với lý do tôn giáo. Gần bốn năm sau, Ban cai quản Tây Thành Thánh Thất xin rút khỏi Giáo Hội Trung Ương Cao Đài Thống Nhứt và được chấp thuận vào ngày 16/4/1975. Kể từ ngày này Tây Thành Thánh Thất chánh thức gia nhập Hội Thánh Cao Đài Thượng Đế.
Ngày 1-11 năm Giáp Dần (14-12-1974) tại Tây Thành Thánh Thất được thánh lịnh dạy chuẩn bị ngày ra mắt các Hội Thánh đàn anh và ngày 24 trình diện thành phần Hội Thánh. Anh Lớn Thiên Huyền Thanh thế danh Phan Lương Bản làm Chưởng Quản Hiệp Thiên đài, Thông Huyền Quang thế danh Phan Lương Qưới làm chưởng quản Cửu Trùng đài. Vào đầu thập niên 70 Hội giáo có một sở đất rộng 7000 m2 nơi cồn Cái Khế, trồng táo, dừa, chuối… và có cất một gian nhà làm văn phòng Toà Thánh Huệ Đức Thanh, đến năm 1989 do nhà nước yêu cầu, Hội Thánh phải tháo giở, di dời về tạm đặt tại Tây Thành Thánh Thất tháng 9 - 1990. Như vậy đã hai lần danh hiệu Huệ Đức Thanh bị xoá sổ. hiện nay HH Thông Huyền Quang mở Đàn Bảo Châu Thiên Lý Cảnh bên Úc Châu.
Về việc xin công nhận tư cách pháp nhân của Hội thánh Cao Đài Thượng Đế có 2 ý kiến trái ngược nhau: phải xin và không xin, đưa đến sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ phái đạo Cao Đài Thượng Đế và Tây Thành Thánh Thất. Năm 1999 tình trạng rạn nứt đến độ vô phương cứu vãn. Bên chủ trương không xin pháp nhân ra lịnh đóng cửa thánh thất, ngưng hẵn các sinh hoạt lễ hội, chỉ cúng kính nhang khói thôi, chỉ giữ việc tu hành, tạm ngưng hành đạo. Còn đa số theo chủ trương phải xin công nhận tư cách pháp nhân đã đứng đơn xin tổ chức đại hội Nhơn Sanh.
Ngày 24-4-2002 Đại Hội Nhơn Sanh phái đạo đã bầu ra Ban Đại Diện và hành lễ đón nhận pháp nhân, cấp vào ngày 4-10-2003. Vào lúc ấy, Hội thánh Cao Đài Thượng Đế chỉ còn hai thánh sở : Tây Thành Thánh Thất và Thánh Tịnh Bạch Vân Cung ở tỉnh Sóc Trăng. Hai năm sau có thêm hai Thánh Tịnh Huờn Nguyên : Chiếu Minh Tự ở tỉnh Vĩnh Long, và Thánh Tịnh Long Vân ở tỉnh Đồng Tháp.
Trong tương lai dự kiến sẽ có thêm thánh sở huờn nguyên, gia nhập hội thánh. Xây lại Tây Thành Thánh Thất và nghiên cứu thiết kế Toà Thánh là hai mục tiêu trước mắt và cho những năm sắp tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét