ĐỨC NGÔ ĐẠI TIÊN - NGÔI HAI GIÁO CHỦ
Lập Hạnh
Qua một số sách sử đã có trước đây về Đạo Cao Đài, người đọc cảm thấy có một cái nhìn chưa chính đáng, thậm chí là bất công đối với Đức Ngô Minh Chiêu.
Cuộc đời hành đạo của Ngài ít được các sách sử Đạo quan tâm tìm hiểu, phân tích, nhắc nhở, trừ một đôi quyển như "Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu " do đệ tử phái Chiếu Minh soạn, quyển "Lịch sử Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, về phần Vô Vi "do Đồng Tân soạn...
Có sách bỏ qua thời kỳ tu học và hành đạo của Ngài. Xem Ngài như một tín đồ bình thường. Có sách xem Ngài như một nhân chứng lịch sử trong một thời kỳ nào đó. Cũng có sách xem Ngài như người tín đồ đầu tiên của Thượng Đế và chỉ có thế thôi.
Thật ra, đức Ngô Đại Tiên, thế danh là Ngô Văn Chiêu, Đạo danh là Ngô Minh Chiêu, là một nhân vật có một vị trí đặc biệt quan trọng trong Đạo Cao Đài.
Ngài là Người đã làm ra lịch sử, đã mở đầu kỷ nguyên Cao Đài. Ngài chiếm một khoảng không gian và thời gian riêng, đặc biệt là thời kỳ khai sáng mối Đạo của Đức Thượng Đế.
Phạm vi bài này chỉ xét đến một số yếu tố và sự kiện đã tạo nên vị trí số một của Ngài mà sau đó là vai trò Ngôi Hai Giáo Chủ.
Điều kiện trở thành Ngôi Hai Giáo Chủ. Trước hết, Giáo Chủ của một Tôn giáo là Người sáng lập ra Tôn giáo ấy. Đó là người đầu tiên đưa ra một lý thuyết về cuộc sống tâm linh của con người. Đồng thời cũng đưa ra một phương pháp để thực hiện lý thuyết đó. Người thực hiện có kết quả lý thuyết và phương pháp mà mình đã đưa ra để làm mẫu mực cho người khác đi theo.
Các Giáo Chủ thường đắc Đạo tại thế và có những sự kiện huyền diệu cho thấy quyền năng thiêng liêng của Ngài.
Người được nhơn sanh nhiều đời tin và làm theo cùng đạt những kết quả khả quan như Giáo Chủ. Những tín đồ ấy có thể tập hợp thành một cộng đồng sinh hoạt tinh thần tức một Tôn giáo.
Còn Ngôi Hai là ai? Xét về mặt sự kiện lịch sử danh từ Ngôi Hai thường chỉ có trong các Tôn giáo có đề cập đến Vũ Trụ quan, đến Thượng Đế. Thí dụ: Thiên Chúa Giáo, Cao Đài Giáo. Thượng Đế là Ngôi Một (Chúa Trời, Chúa Cha) là đầu mối của mọi tư tưởng Tôn giáo. Ngôi Hai (Chúa Con) là chiết thân của Thượng Đế, giáng sanh trong xác phàm để thay mặt Thượng Đế, đứng đầu một Tôn giáo tại thế gian dạy Đạo cho các môn đồ.
Các Ngôi Hai thường lo luyện Đạo chớ không trực tiếp đứng ra tổ chức hệ thống hành chánh của Hội Thánh, đó là việc của các Tông đồ (đức Chúa Jésus thường lên núi học Đạo và về sau giao việc xây dựng Hội Thánh cho Thánh Pierre).
Ngôi Hai là một mẫu mực mà Đức Thượng Đế chọn để làm tiêu biểu cho đường lối tu hành của Tôn giáo mà Ngài mở ra.
Ngôi Hai Giáo Chủ được hiểu như là một vị Phó Giáo Chủ người phàm, thay mặt Ngôi Một Giáo Chủ trong một Tôn giáo. Theo cách ấy, mỗi Tôn giáo, chỉ có một Ngôi Hai mà thôi.
Xưa kia, đã có một Ngôi Hai của Thiên Chúa Giáo ở xứ lạnh, nay lại có Ngôi Hai của Cao Đài Giáo ở xứ nóng. Phải chăng hai ngôi ấy là Lưỡng Nghi của Thái Cực.
Những sự kiện lúc sanh tiền. Những sự kiện lịch sử đầu tiên của Đạo Cao Đài có tầm mức vô cùng quan trọng đã diễn ra chỉ với riêng Đức Ngô Minh Chiêu và tại những địa điểm xa xôi hẻo lánh:
1 - Trong thời kỳ tiềm ẩn của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đức Ngô là người đầu tiên trong số chư Tiền Khai Đại Đạo đã được giao tiếp với Đức Cao Đài Tiên Ông.
Lần thứ nhứt năm 1920 tại Tân An trước khi đi Hà Tiên và trong việc chỉnh đốn việc cầu cơ, đức Cao Đài Tiên Ông đã giáng và dạy sửa lại một câu trong bài cầu Tiên là:
"Ngũ chơn bửu khí lâm triều thế"
Đức Ngô sửa lại là:
"Bửu chơn ngũ khí lâm triều thế".
và được Tiên Ông rất khen ngợi. Điều nầy cho thấy sự sáng suốt của người môn đồ tương lai của Đức Cao Đài.
Lần thứ 2, Trung Thu năm 1920, tại Hà Tiên, đức Cao Đài giáng cơ cho bài thi trong đó có hai chữ "Cao Đài".
"Cao Đài, Minh Nguyệt, Ngô Văn Chiêu,
Linh lung vạn lộc thể Quan Diêu;
Vô thậm Sự, Đức, nhiệm ngao du,
Bích thủy, thanh sơn tương đối tiếu".
2 - Tuy không phải là người sáng tạo, nhưng Ngài là người đầu tiên đã được diện kiến và tiếp nhận Thiên Nhãn, biểu tượng thờ kính của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Ngài cũng là người duy nhất được thấy ba lần Thiên Nhãn, lần đầu ngày 13/3 Tân Dậu (1921), tại Dinh Quận Phú Quốc, lần thứ hai vài ngày sau, cũng tại nơi đó, lần thứ ba, tháng 01 năm Giáp Tý (1924) tại Dinh Cậu Phú Quốc.
Đó là sự ban trao ấn tín, ban trao quyền pháp thay thế Đức Cao Đài tại thế gian. Về sau, khi các vị Tiền Khai ở Sài Gòn phân vân, thắc mắc vì được lịnh phải thờ Thiên Nhãn. Đức Cao Đài Thượng Đế đã không hướng dẫn trực tiếp, mà lại dạy: "Đi lên CHIÊU cho nó chỉ cho".
3 - Đức Ngô là người đầu tiên thọ nhận và thực hành Tân Pháp Cao Đài. Vào ngày mùng Một Tết năm Tân Dậu (8/2/1921) tại đảo Phú Quốc.Năm 1921, sau khi được thấy Thiên Nhãn hai lần, được dạy nghi thức thờ phượng. Đức Ngô đã được nghe Tiên Ông xưng tên chánh thức là "Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát" và được dạy phải gọi Tiên Ông bằng Thầy. Ngài đã chánh thức trở thành người đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài Thượng Đế.
Ba năm học Đạo của Đức Ngô nơi hải đảo là ba năm đức Thượng Đế Giáo Chủ xây dựng nền tảng Nội Giáo Tâm Truyền, đào tạo một mẫu người tu, tiêu biểu cho phong cách tu hành trong Tam Kỳ Phổ Độ, một người bình thường trong xã hội, sống đạo, hành Đạo, truyền Đạo và đắc Đạo. Nghĩa là đời Đạo song tu.
Đó cũng là thời gian hình thành nền tân Tôn Giáo với những yếu tố cơ bản nhứt: Một Thầy, một trò, một biểu tượng và nghi thức thờ cúng, pháp môn nội tu. Trong giai đoạn nầy, ngoài Đức Thượng Đế Giáo Chủ vô hình, chỉ có sự hiện diện của một mình Đức Ngô là người hữu hình, cho nên Ngài có đủ tư cách để thay mặt cho Giáo Chủ vô hình.
4 - Đức Ngô không phải là người sáng tạo ra Tân Pháp Cao Đài, nhưng là người phàm đầu tiên đã ứng dụng thành công pháp môn do Đấng Giáo Chủ Thiêng Liêng đưa ra trong cái thế Thiên Nhơn cùng hợp tác hành động kết quả là Ngài đắc Đạo tại thế.
Ngày mùng 5 tháng 3 năm Canh Ngọ (1930), trong khi đang ngồi tịnh nơi đơn phòng ở lầu 3 số 110, đường Bonard Sàigòn, Ngài đã xuất Thần đi dạo chơi cùng Đức Vân Trung Tử. Khi đi ngang qua đàn Hiệp Minh (Cái Khế, Cần Thơ), lúc ấy đang chuẩn bị lập đàn, nghe có người nhắc đến tên Ngài, nên Ngài cùng Đức Vân Trung Tử giáng cơ cho bài thi như sau:
Xuân giao phưởng phất hạ phùng nhiên,
Ngoạn cẩm Vân Trung thạch động tiền;
Võ trụ hoằng khai thành giác cố,
Đống lương đạo mỹ nghiệp hoàng duyên.
Thành tâm thủ lễ sanh CHIÊU Địa,
Lạc ý quang nhơn vận đạt thiên;
Minh hóa di thân triêm phổ chúng,
Anh linh hàm vịnh cổ kim truyền.
Ngày 3-01 Nhâm Thân (18/2/1932) trước khi liễu đạo 2 tháng. Ngài cũng có giáng cơ tại đàn Phú Lâm xưng là Thiên Mạng Tiên Ông Ngô Minh Chiêu và cho 8 câu thơ song thất lục bát. Sau khi Ngài thoát xác, ngày 13 tháng 3, hằng năm tín đồ Cao Đài đều có thiết lễ kỷ niệm Ngài liễu đạo tại thế.
5 - Đức Ngô là Người duy nhứt được hưởng đặc ân thay cảnh Bồng Lai.
Sau 3 năm tu luyện đạt kết quả mỹ mãn. Đức Ngô đã được Đức Thượng Đế khen ngợi và tưởng thưởng bằng cách ban cho Ngài một đặc ân là muốn chi thì sẽ được ban cho. Giữa thế kỷ 20 văn minh khoa học kỹ thuật cao, vậy mà Đức Ngô lại được hưởng một ân huệ hết sức đặc biệt, phải nói là hi hữu, có một không hai, được Ông Trời ban cho một điều ước.
Và người được ơn đã nghĩ ra và xin một điều cũng hết sức đặc biệt, không có ở thế gian, chỉ có Trời mới đáp ứng được điều y, là được thấy cảnh Bồng Lai. Ngài đã thật sự hưởng được đặc ân đó trong một buổi ngắm cảnh biển tại Dinh Cậu, Phú Quốc vào tháng Giêng năm Giáp Tý (tháng 2/1924).
Những hình ảnh của cảnh Bồng Lai đã lần lượt hiện ra trên nền Trời như một cuộn phim đẹp và cuối cùng là cảnh Thiên Nhãn với một hàng, Tinh, Nguyệt, Nhựt từ trên xuống.
Tất cả diễn ra trong vòng 15 phút. Nghe như chuyện Thần Tiên của đời xưa!.
Sự kiện Đức Ngô hành đạo, hiển Đạo tại thế và thấy được cảnh Bồng Lai đã chứng minh cho chân giá trị của Cao Đài và sự xứng đáng với phẩm vị Ngôi Hai Giáo Chủ của Ngài.
"Ngày mới sơ khai Đại Đạo, Ngô Minh Chiêu cũng được đặc ân để làm một sứ đồ, trước nhứt Thế Thiên hành hóa buổi đầu tiên sáng khai huyền vi pháp nhiệm lập thành nền tảng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, cho đến ngày nay công quả, công phu, công trình đầy đủ, đã trút hết những gì tạm mượn cõi thế gian, trở về quả vị Đại Tiên là bậc Tiền Khai Đại Đạo tại Việt Nam cũng như các bậc Giáo Chủ ở lân bang quốc ngoại. Điểm Đạo mà Ngô Minh Chiêu được chứng quả là do đặc ân trên cõi vô hình chan rưới. Về pháp môn, từ ngàn xưa các Đấng đã thành công ở pháp môn tu niệm với sở đắc của chính mình và sở quan của đại chúng" (1).
6 - Đức Ngô là người đã nắm giữ bí pháp của Đức Thượng Đế Giáo Chủ, đã truyền trao bí pháp ấy cho nhiều thế hệ đi sau, hình thành nền Đạo gọi là Cao Đài Đại Đạo với hệ phái Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi và với hàng hàng lớp lớp những nguyên căn tu hành đắc Đạo.
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã dạy: "Ngày xưa Thầy đã giao bí pháp chơn truyền và trách nhiệm cho CHIÊU để dìu dẫn các con nào có hoàn cảnh, có phương tiện, có thì giờ, có cơ duyên thì sớm lo tu luyện để chờ ngày công đầy quả đủ trở về hiệp nhứt cùng Thầy" (2).
Đức Di Lặc Thiên Tôn cũng có dạy: "Tam Kỳ Phổ Độ, bí pháp Chí Tôn chỉ giao cho CHIÊU. Ngày nay, CHIÊU đã tịch diệt, một ngày khác sẽ có người thay thế ". (Trúc Lâm Thiền Điện, 13/4 Đinh Mùi (1967).
7 - Đức Ngô Minh Chiêu Người Anh Cả của nhơn sanh và người chủ của mối Đạo.
Vào hạ tuần tháng Chạp Ất Sửu (1925) Đức Chí Tôn đã dạy các vị Tiền Khai ở Sàigòn như quí ông Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Nguyễn Trung Hậu.... phải hợp tác với Đức Ngô để lo mối Đạo. Ngài dạy : "Chi chi cũng do CHIÊU là Anh Cả" (TNHT).
-------------------------------------------------------- (1) Đông Phương Chưởng Quản,CQ PTGL.28/5, Tân Hợi (20/6/1971)(2) Hội Thánh Cao Đài Dương Đông, Phú Quốc, 15/3, Đinh Mùi)
Đến ngày mùng một Tết Bính Dần (13/2/1926) là ngày Khai Đạo đối với Trời Đất và Khai Đạo về mặt Thiên cơ lý số Đức Chí Tôn đã chuẩn bị tư tưởng để cho Đức Ngô lnh trách nhiệm Giáo Tông đầu tiên của Đại Đạo, tức là Anh Cả của nhơn sanh và cũng là Anh Cả của các Anh Cả (Giáo Tông) qua Thiên lịnh sau đây:
"CHIÊU, bữa trước hứa lời truyền Đạo cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ mối Đạo dìu dắt cả môn đệ Ta vào đường đạo đức đến buổi chúng nó lập thành, chẳng nên thối trút. Phải thay mặt Ta mà dạy dỗ chúng nó. Trung, Kỳ, Hoài, ba con phải lo thay CHIÊU mà độ người. Nghe và tuân theo". (TNHT).
Đức Chí Tôn cũng từng dạy rằng: "Nhứt Phật là CHIÊU đó các con". Ngày 3.3 Bính Dần, Đức Ngô được báo cho biết rằng đã được phong Giáo Tông và được lịnh dạy may bộ Thiên phục của Giáo Tông. Về sau nầy, Đức Đông Phương Chưởng Quản cũng xác nhận :"Ngô Văn Chiêu là Anh Cả trong Thập Nhị Tông đồ đầu tiên" (CQPTGL 20/2 Quí Sửu). Đức Lý Đại Tiên thì gọi Ngài là "người anh số một Ngô Minh Chiêu" (Cơ quan PTGL, 9/01 Quí Sửu (11-2-73).
Những sự kiện sau khi qui liễu. Đức Ngô liễu đạo vào ngày 13-03 Nhâm Thân (18/4/1932). Những sự kiện diễn tiến sau khi đức Ngô qui liễu đã khẳng định vị trí Ngôi Hai Giáo Chủ của Ngài.
1) Cách xưng hô : Những sự thay đổi cách xưng hô trong thời gian ngay sau khi đức Ngô liễu đạo cho thấy Đức Chí Tôn đã có sự chuẩn bị tư tưởng để cho nhơn sanh đón nhận sự tấn phong Đức Ngô. Ngày 29/3 Nhâm Thân (3-5-1932) lúc y đức Ngô chưa thọ sắc, giáng đàn xưng danh là Ngô Tiên Ông, dùng hai đại danh "Lo" gọi đệ tử là "con ", trước chỉ xưng là Anh em và dạy:
"Lo sẽ ân xá tội các con. Hôm trước Thầy không cho nói, làm các con không biết chi hết". (Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu, in năm 1962).
Trong một quốc gia, vào những ngày hội vui lớn như lễ Quốc Khánh, ngày Tết, vị Quốc Trưởng thường ban ân xá tội cho các tù nhân. Việc Đức Ngô hứa ân xá tội cho đệ tử đã biểu lộ phong cách chủ nhân của Ngài.
Ngày 6-4 Nhâm Thân (6/5/1932), tại Thảo Lư, Đức Ngô giáng đàn xưng danh là "Cao Đài" và dùng đại danh từ "TA". (Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu,1962).
Đến đây thì Đức Ngô đã chánh thức dùng danh xưng của Đức Giáo Chủ Cao Đài để tiếp xúc với đệ tử, một sự thay mặt cho Đức Giáo Chủ Thượng Đế. Ngày 24-4 Nhâm Thân (29/5/1932) Đồ đệ Minh Nguyệt giáng cơ trước và dặn các vị hầu đàn "Rước chủ ta". Kế đó Đức Ngô giáng đàn xưng là "Minh Chiêu" và giải thích theo Thiên ý, tôi phải xưng "Ta". Vậy Ta cho chư sĩ an tọa". (Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu 1962).
Việc Đức Ngô xưng đạo danh hồi sanh tiền để giải thích cách xưng hô mới, cho thấy Ngài đã được lệnh phải đổi vị thế chớ lòng vẫn muốn giữ sự thân mật khiêm tốn như thuở nào. Điều nầy cũng cho thấy có sự định đoạt của Đức Chí Tôn trong từng ý, từng chữ, từng việc nhỏ.
2) Tam Giáo Đạo Tổ ban kinh chúc Đêm 20-8 Quí Dậu (9/10/1933), trên Thiên Đình Công Tào Đại Hội đã quyết định ban cho nhơn sanh kinh chúc tụng Ngô Đại Tiên. Đồng thời, tại Cao Minh Đàn (Vĩnh Hội Sàigòn) có Hội Thanh Tân Tam Giáo Đạo Tổ giáng điển tả 3 đoạn kinh ráp thành một như sau:
Tây Phương Giáo Chủ.
"Cúi đầu mừng Đức Đại Tiên,
Ngôi Hai giáng thế ở miền trần gian (*),
Thiên ngôi Ngọc Đế sắc ban,
Điểm linh cho xuống thế gian cứu đời.
Gieo truyền Đại Đạo khắp nơi,
Cứu nguy sanh chúng biết thời Tam Nguơn,
Mãn căn Ngọc Đế ban ơn,
Đại Tiên Ngọc sắc Thiên ân rõ ràng".
(Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)
Thái Thượng Đạo Quân.
"Tam Thanh chưởng hội thế gian,
Long Hoa sắc lịnh đoạn tròn độ an
Phong Thần lãnh mạng Thánh Hoàng,
Trừ tà khử mị Thiên phan đả thần.
Đại Tiên xin độ nguyên nhân.
Trở về cựu vị lo phần chơn tâm".
(Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)
Long Hoa sắc lịnh đoạn tròn độ an
Phong Thần lãnh mạng Thánh Hoàng,
Trừ tà khử mị Thiên phan đả thần.
Đại Tiên xin độ nguyên nhân.
Trở về cựu vị lo phần chơn tâm".
(Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)
Khổng Thánh Tiên Sư.
"Chúng sanh mờ ám tội thâm,
Cúi xin ân đức chế châm lòng thiền.
Cúi đầu mừng đức Đại Tiên,
Ngôi Hai giáng thế ở miền trần gian (**)".
(Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu).
Cũng trong đêm ấy, Đức Chí Tôn giáng đàn dạy thêm:
“Thầy cho các con biết rõ: Ngô Đại Tiên là một điểm linh quang của Thầy cho xuống mở Đạo đó nghe, chớ lầm tưởng theo thế là Quan Phủ Chiêu mà có lỗi đó. Rán mà thành tâm khẩn với Người cho có lễ nghi, vì đương kỳ phổ độ Người tạm dùng lời dạy các con xưng là anh em, chớ đến ngày Long Hoa Đại Hội, thì Người là Thầy của các con đó. Khá tuân theo". (Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)
Sự kiện đức Ngô được ban kinh chúc mừng và do chính ba vị Giáo Tổ của Nhị Kỳ Phổ Độ tả kinh ấy, cho thấy vị trí đặc biệt của Ngài.
-----------------------------------------------------------(*) (**) Ban đầu ở hội Thanh Tân câu nầy là "Ngô Minh Chiêu Tánh ở miền trần gian" Sau đó đức Ngô được phong Ngôi Hai Giáo Chủ ở Hội Thanh Chiêu, nên câu ấy được sửa lại như trên.
Đức Ngô trong Tam Kỳ Phổ Độ. Ngài không chỉ là người Anh Cả mà còn là người Thầy của nhơn sanh.
3) Xá tội vong nhân.
Ngày 13-3 Giáp Tuất (24/4/34), hai năm sau khi liễu đạo, Đức Ngô được lịnh du Địa phủ 100 ngày để phán đoán và châm chế cho các hồn đang chịu tội ở đó, đồng thời cũng là cách Ngài lập công chứng vị Ngôi Hai.
Như vậy, đức Ngô đã thực hiện việc ân xá cho cả hai cõi, dương gian và âm phủ, Ngài đã độ sanh lẫn độ tử. Công đức và quyền năng Ngôi Hai Giáo Chủ của Ngài có ý nghĩa và có giá trị ở cả hai thế giới hữu hình lẫn vô hình. Cho nên, Ngôi Hai còn được gọi là Ngôi Cứu Thế.
"Các hồn than khóc ủ-ê,
Thấy Ngôi Cứu Thế sắc phê tha hồn".
(Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)
"Mười cửa điện Ngôi Hai đã trải,
Xét thưởng răn, công quả dày công".
(Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)
4) Lễ lập vị Ngôi Hai Giáo Chủ (Hội Thanh Chiêu):
Lễ lập vị Ngôi Hai Giáo Chủ của Ngô Đại Tiên được Đức Chí Tôn ban ơn cho các đệ tử tổ chức tại Thảo Lư (Cần Thơ) ngày 23 tháng 6 năm Giáp Tuất (3/8/1934), gồm có hai phần: Phần của đệ tử lễ mừng Ngôi Hai đặng vị.
Đức Chí Tôn có dạy :
"Ngôi Hai được đắc thành quả vị,
Cứu vạn linh khỏi bị luân hồi,
Nhà nhà đạo đức an vui,
Lo chi trần thế gặp hồi loạn ly".
(Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)
Phần của chư Phật, Tiên, Thánh và Tam Giáo giáng chứng lễ mừng Ngôi Hai Giáo Chủ.
Đức Lý Thái Bạch thay thế Tam Giáo tả 3 bài thi mừng :
Bài của chư Thánh mừng tặng:
"Hỉ mừng đắc vị phản huờn nguyên,
Độ thế tu chơn diệu lý huyền,
Bá nhựt thành công du Địa phủ
Công bình, chánh kỷ sử thanh biên ".
(Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)
"Phản bộ Tiên Thiên bất nhiễm trần,
Thế gian rạng tiếng dẫn nguyên nhân,
Hoằng khai chánh giáo y Thiên lịnh,
Cứu khổ từ bi đức hạnh nhuần".
(Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)
Chư Tiên Tặng:
"Cửu chuyển mầu vi nhựt nguyệt minh,
Chơn truyền độ dẫn cả quần sinh,
Chơn tâm bất nhiễm mùi trần tục,
Bác ái sanh linh đắc Đạo Huỳnh ".
Chơn truyền độ dẫn cả quần sinh,
Chơn tâm bất nhiễm mùi trần tục,
Bác ái sanh linh đắc Đạo Huỳnh ".
(Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)
Riêng Đức Lý tặng:
"Hành đạo chẳng sai ý của Trời,
Đến ngày phản bộ mặc vui chơi,
Mừng Ngôi Giáo Chủ nay an vị,
Độ dẫn nguyên nhân bước kịp thời ".
(Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)
Cuộc đời tu học và hành đạo của đức Ngô cuối cùng đã đạt đến kết quả rực rở là đắc vị Ngôi Hai Giáo Chủ, mà chính Đức Chí Tôn đã công nhận như sau :
"Đạo vô vi Thầy đã lập ra kỳ nầy do nơi Chiêu là một chơn linh của Thầy. Nó là Ngôi Thứ Hai của Thầy giáng sanh mở Đại Đạo cứu vớt nguyên nhân. Nay con của Thầy đã hồi cựu vị để lại những đệ tử tu đã đắc thành tại thế, kết quả Thiên Tiên". (Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu)
Kể từ đó, Đức Ngô thay thế Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, thường xưng danh Cao Đài dạy Đạo cho các đệ tử Chiếu Minh.
5) Xác nhận quả vị Ngôi Hai Giáo Chủ tại Cơ Quan PTGL.
Quả vị của Đức Ngô không những được ghi nhận bởi các ThánhGiáo của phái Chiếu Minh mà còn được minh xác tại Cơ quan PTGL Ngay trong thời kỳ Cơ Quan mới thành lập, Ngài đã nhiều lần giáng đàn với danh nghĩa Ngôi Hai Giáo Chủ để giải thích ý nghĩa danh từ Cơ Quan PTGL Cao Đài Giáo Việt Nam (14/1 Bính Ngọ (1966), chánh thức công bố ngày ban biểu hiệu Thiên Nhãn (14/3 Đinh Mùi, (1967). (TGST 1966/67, tr.33, 37 và TGST năm 1970/71, tr.200).
Việc Ngài hướng dẫn chỉ đạo cho Cơ Quan sau cùng của Đức Thượng Đế đã cho thấy vai trò Ngôi Hai Giáo Chủ của Ngài, chỉ có Ngôi Hai Giáo Chủ mới đủ tư cách làm việc đó.
6) Hội Thánh Tiên Thiên Châu Minh.
Tuy không nói đến vai trò Ngôi Hai Giáo Chủ, nhưng cũng đã xác nhận vị trí số một của Ngài là Đệ Nhứt Giáo Tông Vô Vi và Tiên danh của Ngài là Pháp Bửu Đại Tiên. (Thánh Huấn Hiệp Tuyển, tr.225).
7) Để nhắc nhở nhơn sanh nhớ đến cội nguồn của Đạo Cao Đài, nhớ đến người có công đầu trong thời kỳ lập giáo.
Đức Chí Tôn đã dùng ngày liễu đạo của Đức Ngô, cũng là ngày ban biểu hiệu Thiên Nhãn, là ngày khánh thành ngôi Vĩnh Nguyên Tự tái thiết. Để giải thoát, các nhà tu xuất gia của Cơ Quan, đều phải qua thủ tục nhập tự Vĩnh Nguyên - nguồn cội vĩnh hằng. Mà trên đường phản bổn huờn nguyên, không thể không nhớ đến người đã khai cơ bí pháp Cao Đài.
Kết luận : Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thượng Đế giáng trần dạy Đạo là một điều hi hữu, có một không hai trên thế gian. Nhưng Ngài không thể và cũng không bao giờ giáng sanh trong xác phàm ô trược. Ngài chỉ nắm quyền Giáo Chủ để qua đó dùng điển lực và quyền năng tối cao của Đấng Thượng Đế mà tận độ nhơn sanh. Nghĩa là, Ngài giáng điển chớ không giáng sanh.
Do đó, mặc dù Đạo Cao Đài đã có Đấng Giáo Chủ Thiêng Liêng vô hình (Ngôi Một), nhưng cũng cần có vị "Phó" Giáo Chủ hay Ngôi Hai Giáo Chủ hữu hình, xuất thân từ một người bằng xương bằng thịt để tiêu biểu cho lối tu của Cao Đài, chứng minh hiệu năng của mối Đạo hầu nhơn sanh dễ hình dung mà noi bước.
Đức Ngô đã được chọn và Ngài đã xứng đáng với vị trí Ngôi Hai Giáo Chủ.Theo cách nói của người phương Đông, có thể coi như đó là vai trò "Quyền huynh thế phụ", Anh cả có quyền thay thế cho Cha hướng dẫn và quyết định các việc trong gia đình. Còn đối với người phương Tây, có thể nhìn cách đặt tên của họ để tạm hiểu vấn đề.
Thí dụ : Nếu Cha tên là Alexandre Dumas, thì con cũng có thể dùng nguyên tên y nhưng phải thêm chữ "fils" ở sau (theo Pháp) để phân biệt tức là Alexandre Dumas Fils. (con) Hoặc cha tên là Charles Edward Miller, thì con có thể là Charles Edward Miller, jr (junior: người nhỏ tuổi, người ở cp dưới) theo Anh, Mỹ.
Từ lúc khởi đầu cho mãi đến sau nầy, bao giờ Chí Tôn Thượng Đế cũng nhắc đến Ngô Đại Tiên và luôn muốn người tín đồ Cao Đài hiểu biết, kính trọng và theo gương Ngài.
Không thể chỉ kính trọng Ngài như một vị lãnh đạo của phái Chiếu Minh. Cũng không chỉ là kính trọng người Anh Cả của những người anh cả, mà còn là kính trọng Đấng Ngôi Hai Giáo Chủ của toàn Đạo Cao Đài.
Ngoài Phái Chiếu Minh, có lẽ ít có nơi nào mà Đức Ngô Đại Tiên giáng đàn nhiều như ở Cơ Quan. Và ngoài Cơ quan có lẽ ít nơi nào mà các Đấng nhắc nhở Ngài nhiều và trân trọng như vậy. Phải chăng đây là một ý thức mà các Đấng muốn gieo tại Cơ Quan. Cho nên, thực hiện lễ kỷ niệm hằng năm để nhớ tới Đức Ngôi Hai Giáo Chủ và ngày ban biểu hiệu Thiên Nhãn có lẽ là một điều hợp lý và hợp tình.
Home »
Thuyết Minh
» Đức Ngô Đại Tiên - Ngôi Hai Giáo Chủ - TTV Lập Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét