4-TỒN TÂM, DƯỠNG TÁNH Đàn 30 Octobre 1936 16 tháng 9 - Bính Tý Đức CAO-ĐÀI THƯỢNG-ĐẾ giáng điển: Thầy dạy về:
TỒN TÂM, DƯỠNG TÁNH
BA HẠNG NGƯỜI. TÁNH LÀ GÌ? LUẬT CẢM ỨNG CỦA NGƯỜI VỚI TRỜI. PHẢI GÌN CÁI TÂM
THI
CAO minh Chánh-đại phục Linh-Căn,
ĐÀI chiếu điển quang Đạo-Lý hoằng;
THƯỢNG phẩm chi nhơn, Tâm Tánh thiện,
ĐẾ thành cơ hội đắc siêu thăng.
THẦY lấy làm vui cùng các con mà giờ nay ngự giá trước Đàn để chỉ bày đôi lời Đạo-Đức cho các con rõ thấu nguồn cả cội căn để trau dồi Linh-Tánh cho hiệp với không khí Thượng-tầng là Cơ siêu phàm nhập Thánh. Cười...
THI
Tồn Tâm, dưỡng Tánh kiến Như-Lai,
Đạo-Pháp thông lưu Huệ Đức khai;
Thường chuyển Pháp-luân minh Lý nhiệm,
Nhứt Tâm tu luyện đắc Tam Tài.
Các con ngày hôm nay mà đặng nắm mối Đạo vào trong tay thì rất là hạnh phúc.
Từ cổ chí kim đã biết bao nhiêu là lời Thánh-Hiền để lại khuyến thế độ nhơn, ngặt vì đời không chịu tầm chỗ u huyền thâm viễn, thành thử thế tục ngày luống biến thiên, nhơn-tâm ngày càng trụy lạc, Đạo-Đức ngày một lu lờ, bèn xô đẩy con người cứ mãi xa lần cội phước, nguồn lành, mà vướng phải vào vòng luân hồi Lục-Đạo. Thầy rất lấy làm tội nghiệp, xót thương, đau đớn. Thầy bao nỡ điềm nhiên tịnh tọa, để xem bầy con lũ lũ lăn nhào, đùn cục nhau mà đắm đuối chốn sông mê bể khổ?
Ôi! Những luồng gió thảm vang lừng, những tiếng sóng sầu xao xác, nó hằng xúc động tận đến tâm Thầy. Vậy nên Thầy phải đành phế Ngọc- Kinh mà đem Chơn-Lý Đạo Huỳnh để cứu vớt sanh linh trong thời Hạ-Nguơn mạt kiếp nầy.
Vả trong đời, nhơn-loại phải phân ra làm ba hạng người; trên là Thượng-trí, dưới là Hạ-ngu, ở giữa lại có hạng Trung-nhơn là đám phổ thông tầm thường.
Bực Thượng-trí ấy là hạng Thánh-triết, là đám con giữ được cái Tâm Hồn thiên nhiên chí thiện, chí mỹ của Trời phú cho, nên lòng trắc ẩn dồi dào, khỏi dạy mà xử thế cũng không sai lẽ Đạo. Đến bực tầm thường là hạng Trung-nhơn của xã hội thì Thiện-Tánh tuy đã thiên di, song hễ có dạy là mau thức tỉnh. Duy có đám Hạ-ngu thiệt là rất khó. Tuy nhiên nếu lấy Đạo-Đức mà tập rèn, huấn luyện cho dày công, tất cũng có thể mở mang Tâm trí được.
Trời sanh ra loài người thì đã phú cho một cái Tánh thiện lương để người nương đó mà trau dồi cho sáng rỡ thêm lên, hầu tấn hóa lần lần cho đến bực cao siêu thuần túy. Nào dè người bị thâm nhiễm thói đời vật chất, cứ mãi dấn thân vào vòng tục lụy mà Thiên-Tánh biến dời, đến phải dang xa nẻo Đạo.
Tánh ấy là gì? Tánh là “Nguyên-Lý” sở dĩ sanh ra nhơn-loại. Thế nên cái Bản-Nguyên về Tinh-Thần của con người là Lý. Lý ấy rất linh diệu; Thiêng-liêng của Trời đã phân ra mà ban cấp cho mỗi người, nên Lý ấy tức là Tánh vậy. Của Trời là Lý, về Người là Tánh. Lý, Tánh như nhau, vì thế nên Trời với Người mới có thể ứng tiếp liên lạc nhau rất là mật thiết, bởi vậy Người hễ muốn tính sự gì, tuy chưa làm ra, mà Trời đã biết trước.
Trời với người cũng đồng Một Lý, Một Khí mà ra, thì không cảm ứng nhau sao được?
Vậy Người nếu biết trau dồi Linh-Tánh cho thiệt sáng suốt anh minh thì tự nhiên giao tiếp với Trời, thiệt là chẳng khó.
Thế mà người đã linh hơn vạn vật, đã có cái Bổn-Tánh Thiêng-liêng rất quý báu vô giá như vậy, cớ sao người chẳng trau dồi mà cứ để lu lờ, nhơ bẩn ngày một chồng lấp thêm lên mãi mãi?
Ôi! Khờ lắm thay! Dại lắm thay! Nghiêu Thuấn cũng người, mà dầu cho Tiên, Thánh, Phật, thì trước kia cũng vẫn là người chớ sao!
THI BÀI
Cơ mầu nhiệm huyền huyền diệu diệu, Lý Thiên nhiên bí yếu cao thâm,
Mấy ai để chí kiếm tầm,
Hầu toan đào luyện chơn tâm thiện từ?
Phải biết rõ dinh hư tiêu trưởng,
Phải nghĩ suy độ lượng độ đời,
Kiếm tầm tận chỗ cùng nơi,
Người đồng một tánh của Trời ban cho.
Muôn vật đồng trong lò Tạo Hóa,
Hậu bạc chung cặn bã trược thanh,
Cho nên có dữ, có lành,
Dữ lành tại bởi tập tành thói quen.
Tánh dốt nát ngu hèn người tạo,
Giam hãm vào lục đạo luân hồi,
Bởi chưng chẳng biết trau dồi,
Đặng cho bổn tánh phục hồi cội căn.
Tánh thì thiện như trăng tỏ rạng,
Tánh ấy là Thiên mạng ban cho,
Tánh đâu lại có vạy vò?
Tánh lành thông suốt ráng mò kiếm ra.
Tâm tánh đặng hiệp hòa Trời Đất,
Mà thông đồng muôn vật thế gian,
Mà thông đồng muôn vật thế gian,
Tánh như thể một con đàng,
Không đi, đường ắt mọc tràn chông gai.
Tánh như nước chảy dài là thiện, Tánh luyện đào phát triển tinh vi,
Tánh là cách vật trí tri,
Người người cần phải gắng ghi trau dồi,
Đem trở lại vị ngôi cao thượng,
Đặng an nhàn thọ hưởng phước hồng,
Người nào còn giữ đặng lòng,
Cho minh mẫn tiệp, không không chói lòa.
Người quân tử chẳng xa tâm tánh,
Gìn cái Tâm cho chánh đáng tin,
Nó là một vật thần minh,
Đừng cho lục dục, thất tình lấp chôn.
Dồi luyện mãi tâm hồn hiển đạt,
Hậu thì làm mà bạc thì thôi.
Ngày đêm cố gắng tô bồi,
Cũng như ngọc báu có dồi mới xinh. Tâm thì thiện mà linh uyên bác,
Giữ cho còn thì phát Thiên cơ.
Đừng cho hư hỏng vất vơ,
Muốn ngăn nước phải đắp bờ trước khi.
Người để Tâm mất đi mạng dứt.
Trong thân người quý nhứt là Tâm,
Trong thân người quý nhứt là Tâm,
Mất đi nào khác thú cầm;
Thánh hiền biết giữ cái Tâm cho còn.
Tâm nắn đúc muốn tròn hay méo,
Tâm như người thợ khéo đó con!
Tâm nắn đúc muốn tròn hay méo,
Tâm như người thợ khéo đó con!
Tâm gìn đừng để hao mòn,
Làm cho nhơ bẩn thì còn chi không?
Nghiêu Thuấn giữ nhơn đồng là đó,
Người với ta nào có khác chi?
Thánh hiền làm đặng khó gì,
Biết nuôi tâm tánh gọi thì Phật Tiên.
THI
Tiên phàm cũng bởi tại tâm ra, Tâm vạy thì làm những quỷ ma; Tâm chánh còn nuôi thành Thánh Đức, Tiểu nhơn vì bởi mất đi mà!
Thầy ban ơn các con. Thăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét