ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO (07) - Thất Tình, Lục Dục...; Ngươn-Thần, Thức Thần (Đ.2)
2.- THẤT-TÌNH, LỤC-DỤC, TAM-THI, CỬU-CỔ NGƯƠN THẦN, THỨC THẦN; CHƠN THÂN & GIẢ THÂN TTTT, Đàn 1er Octobre 1936 Ngày 16 tháng 8 - Bính Tý ĐỨC CAO-ĐÀI THƯỢNG-ĐẾ giáng điển: THI CAO ban Đạo-Lý rỗi nhơn gian, ĐÀI cảnh Lạc-Tâm kỷ tải nhàn; THƯỢNG chấp tài năng quy thống nhứt, ĐẾ dân Minh-Đức Thiện-Tâm năng. Chào các con. HỰU Bao lần giáng thế cực lòng CHA, Thương nỗi đoàn con bỏ phép nhà; Đạo-Đức buông trôi ngoài trí não, Bực mình nên phải giáng lần Ba. Ba phen dạy biểu mấy muôn xe, Khuyên nhủ người đời chẳng chịu nghe, Đổ máu cứu nguy hồn chủng loại, Nhưng người độc ác thật không dè! Dè đâu nước đã ngập tràn then, Sóng gió vùi chôn mịt tối đen; Xông chiếc thuyền từ ra cứu độ, Trách đời sao cứ chịu ngu hèn? PHÚ Đời mạt hậu nên Phật-Tiên đồng giáng thế, Đem Chơn-Truyền mà phổ tế mấy triệu ức sanh linh, Cuộc dinh hư tiêu trưởng, nào là người trí huệ thông minh sao chẳng chịu bươn bả đem mình ra khỏi? Ôi! Trò đời thấy thêm chán, chỉ tranh hay giỏi, ấy mà gọi rằng khôn; Mấy muôn thu trí hóa lấp chôn, làm mờ ám điểm Linh-Hồn, khó bảo tồn cho cơ thể. THI Thể phách tinh anh kẻ thoát trần, Nương về cõi Thánh, ẩn tu thân; Cổi rồi xác thịt muôn vàn nhẹ, Hạnh phúc Đạo hưng có mấy lần? Giờ hôm nay, Thầy thấy các con có chí nhiệt thành, nên chi Thầy giáng minh Lý-Đạo mà thức tỉnh chúng sanh trong giấc mộng. Các con phải biết rằng: “Cái điểm Linh-Quang rất quý báu, các con không lo mà dồi luyện cho tinh ba thì rất là uổng!” Đời của các con chi là vinh diệu, an vui? Đời đáng thị, đáng khinh mà các con mãi chôn mình trong vũng tanh hôi, ao nhơ bẩn. Các con vì phong trần đưa đẩy, bởi mang xác thịt nặng nề, khó bề day trở, điểm Linh-Hồn các con nhập vào xác thịt bị Hậu-Thiên che lấp, Ngũ-Trược chận đè, không tu luyện khó mong thoát ra cho khỏi [bởi mang xác thịt]. Mà hễ mang xác thịt nặng nề nầy, tránh sao khỏi Thất-Tình, Lục-Dục sai khiến? Than ôi! Trong cơ thể con người vì bị Thất-Tình cám dỗ, Lục-Dục khiến sai, càng ngày lại yếu ớt, tuy Nguơn-Thần sáng suốt, ưa thanh tịnh Vô-Vi; nhưng bởi có Thức-Thần nên mới hay động tác. Mà Nguơn-Thần thì thất chánh, còn Thức-Thần lại đương quyền làm Chủ Nhơn-Thân, nên ưa sự nầy, muốn việc kia, lăng xăng rộn rực, không cần Đạo-Đức, chẳng kể Tinh-Thần, chỉ chuộng thỏa thích lòng vui của nó; nên nhiều khi nó giục con người làm chuyện quấy, điều hư, xấu xa đê tiện, mà hễ nó sai khiến đặng thì nó lại còn khiến mãi không thôi. Nó chác lòng ác đức, gây chuyện bất lương, mà con người chỉ dua theo nó mãi. Nó lại có Quỷ Thất-Tình phụ sự, Ma Lục-Dục giúp tay, nên chi mới có tội lỗi, mà hễ có tội lỗi phải chịu đọa đày trong vòng quả báo. Thất-Tình, Lục-Dục là mối loạn hằng ngày ở trong Tâm Trí, khôn phương trừ khử. Một đám giặc liệt cường tài trí, đánh phá ruồng trong núi cao, non thẳm còn dễ trừ dẹp đặng; chớ mối loạn nơi Tâm khó mà diệt đặng cho yên, nhứt là Ma Lục-Dục: “Nhãn, Nhĩ, Tĩ, Thiệt, Thân, Ý” nó phá hại hằng ngày. -Nhãn thì ưa màu sắc tốt đẹp. -Nhĩ thì thích nghe những giọng nói tao nhã thanh bai. -Tĩ thì ưa mùi thơm, hơi ngọt. Thiệt thích nếm vật lạ, món ngon. -Thân thì mến vợ đẹp, hầu xinh, cả dục-tình, còn dâm niệm. -Ý lại tư tưởng vất vơ quấy quá. Mà nhứt “Ý” là mối đại hại cho con người. Nó tư tưởng sự nầy sang sự nọ, chuyện ấy hết đến chuyện kia. Nó xẹt vô, nhảy ra lẹ làng không chi ngăn đón nó đặng! Nên mới cho nó là “đứa ăn trộm tài nghề, xách món nầy, lấy vật nọ, trước mắt muôn người có ai thấy!” Còn Thân: Cái thân thể muốn sự dâm dục quá độ mới hao tán Nguơn-Tinh, Nguơn-Khí, Nguơn-Thần. -Thiệt là lưỡi. Miệng ham ăn món ngon vật lạ, đồ mỹ vị cao lương, nên phạm tội sát sanh mà sa đọa vào đường Lục-Đạo. .Tĩ là mũi. Mũi ưa thơm tho mới khiến lòng ham muốn. .Nhĩ là tai. Tai nghe điều phi lễ. .Nhãn là mắt. Mắt ngó thấy sự tốt đẹp màu sắc thì lòng dục dấy lên.
Vậy thì Mắt thấy, Tai nghe, Mũi ngữi, Miệng nếm, Thân ham, đều xúm làm cho thân xao động, sanh lòng quấy quá. Vả lại, Lục-Dục là Sáu con Quỷ, tức là sáu đứa du côn; nhưng biết cách thâu phục chúng nó đặng thì Sáu con Quỷ ấy trở nên Lục-Thông là Đắc Đạo. Muốn thâu phục Quỷ ấy, phải làm cách nào? Cần phải Chủ cái Tâm. Tâm cho thanh tịnh; định cái Trí, Trí phải tự nhiên. Lục-Dục được an, Lục-Thần đầy đủ. Hễ có Lục-Dục thì có Lục-Trần, mà có Lục-Trần thì mới sanh Lục-Tặc. Có Lục-Tặc thì hại Lục-Căn, Lục-Thức, Lục-Thần nên sa vào Lục-Đạo. Ấy là kiếp con người không có Nguơn-Thần chấp chánh, để Thức-Thần đương quyền thì dầu có sống, sống một cách vất vơ, như bù nhìn trơ trơ để gió lay người đẩy. Vậy con người cần phải phân biệt cái nào là Nguơn-Thần, cái nào là Thức-Thần, sự nào Chơn, điều nào Giả? Có khi Thức-Thần tính làm chuyện quấy quá tội tình vô Đạo-Đức, mà trong đó lại có Nguơn-Thần không chịu cho làm những chuyện quấy quá. Nguơn-Thần muốn làm điều ích lợi chung, còn Thức-Thần thì toan bề ích kỷ. Sự nào không cắn rứt Lương-âm là của Nguơn-Thần muốn vậy; còn sự nào nhức nhối Lương-Tâm là của Thức-Thần ham muốn khiến sai. Trong Tâm con người có Nguơn-Thần và Thức-Thần, khi thì muốn động tác lúc lại chịu Vô- Vi: ấy là hai điều khá chọn lựa. Phải biết Nhơn-Tâm, Đạo-Tâm khác xa; Giả-Thân, Chơn-Thân hai thứ. Sao là Chơn-Thân, Giả-Thân? Cái Giả-Thân là Nhơn-Thân, Xác thịt. Ngoài cái Giả-Thân nầy, còn một cái Chơn-Thân khác nữa. Chơn-Thân ấy là chi? Là Nhị Xác-Thân vậy. Cái Xác Thân ấy mới vững bền muôn kiếp, sống mãi bằng Trời, không tử không sanh, không thêm không bớt. Luyện đặng cái Chơn-Thân nầy thì trường sanh bất tử, khỏi chịu quả báo Luân-hồi, đời đời, kiếp kiếp an hưởng vui chơi nơi Bồng-Lai Tiên-Cảnh. Ấy là Chơn-Nhơn. Thầy thấy người đời hằng lầm tưởng cái Giả-Thân (Nhơn-Thân) nầy tu luyện đặng cầu bất tử trường sanh. Khờ lắm thay! Dại lắm thay! Bởi câu chấp mà sa mãi tội tình, trầm luân muôn kiếp. Cái Xác Thân nặng nề, nhơ bẩn thúi tha nầy còn ham hố làm chi? Cái điểm Linh-Hồn bị mang Xác thịt nầy chẳng khác chi bị núi Thái-Sơn dằn chận. Cái điểm Linh-Hồn ngày nào bỏ đặng Xác Thân nầy thì chẳng khác chi để gánh Thái-Sơn xuống vậy. Người tu hành Đắc-Đạo không bao giờ chịu mang xác thịt nầy nhiều ngày. Ở thế, nó nặng nề lắm, đường xa muôn dặm vơi vơi, dẫu dùng sức ngựa truy phong đi mãn kiếp cùng đời chẳng thấu; chớ Linh-Hồn mà bỏ đặng xác thịt nầy rồi thì trong bốn biển nháy mắt đến nơi tận chốn. Linh-Hồn ra khỏi Xác Thân nầy thì mừng vui khôn xiết, khoái lạc vô cùng. Những Linh-Hồn nào còn nặng nghiệp quả tiền khiên phải chịu vâng theo Tạo-Công sai khiến, mượn xác thịt lập công, trả cho rồi nghiệp quả. Những Phật Tiên ngày trước cũng dùng điểm Linh-Quang giáng thế, mượn xác thịt mà Luyện Đạo: Lấy Nguơn-Khí, Nguơn-Tinh hiệp cùng Nguơn-Thần tạo nên Tiên Phật. Có Nhị Xác-Thân thì từ đó sắp sau mới là có thứ ngôi, địa vị; chớ điểm Linh-Quang là một cái yến sáng mà thôi, nhưng cũng biết linh thông biến hóa. Đây Thầy nói về Thất-Tình là hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ. Con người vì bị Thất-Tình, Lục-Dục mà hao tổn Tinh-Thần, tiêu mòn Khí Phách. Nó luống đẩy xô nhơn loại vào ao lửa núi gươm, hang sâu vực thẳm. Hỉ, nộ, ái, ố toàn là sự thường tình hèn thấp của con người: lúc mừng, khi giận, cơn ghét, hồi thương, không chừng, không mực. Hỉ là mừng. - Nộ là giận. - Hễ gặp sự vui thích, thỏa vừa lòng dục thì mến mà mừng. Còn gặp điều nghịch ý bất mãn, Tâm Tà lại thảm, lại sầu mà giận. Bị vậy Ngũ-Khí, Tam-Huê mới mau hao kém. Ái là yêu. - Ố là ghét. - Hễ thuận tình trìu mến, khoái sự ái ân, thì mê, thì thích mà yêu. Còn nghịch chỗ mong ham, trái lòng thèm muốn, lại gổ, lại ganh mà ghét. Bị vậy Tinh-Huyết, Thần-Lực mới chóng giảm suy. Còn những Ai, Lạc, Cụ, là Buồn, Vui, Sợ, thì cũng là những món rất hại trong đám Thất-Tình; nên ví không sớm khử trừ cho tiêu, ắt nó cứ mãi khuấy rối con người mà bắt phải sa nhào vào những thói thấp hèn ngu dốt. Làm người phải lập chí cho cao thượng, đừng để Thất-Tình cám dỗ, Lục-Dục khiến sai. Mình phải mạnh bạo cương quyết mà làm chủ nó, chớ đừng yếu ớt lôi thôi để nó làm chủ mình, rồi nó muốn chi cứ phải vừa theo nó mãi hay sao? Ngoài những Thất-Tình, Lục-Dục, lại còn Tam-Thi, Cửu-Cổ. Ấy cũng mối hại cho người. Tam-Thi-Thần nó ở tại Thượng-Tiêu, Trung-Tiêu, Hạ-Tiêu. Ba con Quỷ nầy trấn ba cửa ải, không cho Thần-Khí giao thông với Càn-Khôn thăng giáng. Còn 9 con Ma (Cửu-Cổ) nó lại giữ 9 Lỗ Khiếu không cho Tiên-Thiên tiếp ứng với Hậu-Thiên Chi Khí, thành thử con người phải chịu sa đọa mãi hoài. Vậy người Luyện Đạo Tu Đơn là phải khử trừ bao nhiêu trở lực ấy cho tiêu tan thì Tam-Tiêu, Cửu-Khiếu mới có thể xung thông Trời-Đất được. Thí dụ như quả cầu (balle) cứ bơm hơi vô mãi cho đầy đủ no nê, nhưng phải coi chừng vá mấy lỗ trống cho kín lại thì bơm nó mới còn chứa hơi lại. Lỗ trống nhỏ như mũi kim, nó cũng xì hơi ra hết, các con dầu có bơm mãi cũng vô ích. Lỗ trống ấy ở đâu? Là giống gì? Là Nhãn, Nhĩ, Tĩ, Thiệt, Thân, Ý, mấy đường Cốc-Đạo, Dương-Quan và ái, ố, sân, si, chớ chi. Các con bơm mãi vào mà không bít vá, hàn nó lại thì nó xì lọt ra ngoài hết. Các con nên chủ ý. Ấy là phép tu luyện. Người tu hành chẳng nên nóng giận. Nóng giận không tốt mà cũng nóng giận đặng vậy; Nhưng nóng giận vì lễ nghĩa chớ không nóng giận về khí huyết sanh ra. THI Thất-Tình, Lục-Dục, sớm trừ xong, Luyện tập ngày đêm sửa tấm lòng; Khử diệt thất tình an tánh thiện, Tu hành phải để chí không không. HỰU Tam-Thi, Cửu-Cổ, đặng trừ yên, Cửu-Khiếu thông thương luyện Đạo Huyền, Thần-Khí giao hòa Tâm huệ phát,
Âm-Dương hỗn hiệp đắc thành Tiên. Thầy ban ơn các con. Thầy thăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét