ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO (08) - Chữ Tâm (Đ.3)
3.- CHỮ TÂM Đàn 03 Octobre 1936 18 tháng 8 - Bính Tý Đức NGỌC-HOÀNG THƯỢNG-ĐẾ Dạy về CHỮ TÂM THI Đạo Tâm phát triển chí thanh cao,
Vùng vẫy nhảy ra khỏi bốn rào; (tứ tường) Sắc tức thị Không thành Chánh-Quả, Trung không hữu Sắc, Khí-Thần giao. Đây, Thầy giải sơ về chữ Tâm. Trong Vũ-Trụ Càn-Khôn lấy cái Lý Thái-Cực làm Chủ-Tể của muôn triệu ức sanh linh và chưởng-quản vật chất hữu-hình (Linh-Hồn và xác thịt). Trong Trời Đất có cái “Lý Nhứt Định” thanh quang là Thái-Cực làm “Trung-Tâm điểm” cho Vũ-Trụ Càn-Khôn, muôn loài vạn vật. Cái “Lý Độc Nhứt” ấy toàn tri, toàn năng, biến hóa vô cùng vô tận, dưỡng dục cả sanh linh, bảo tồn vạn loại. Lý độc nhứt ấy bao quát thần thông, quây chuyển bánh xe vô hình mà làm nấc thang tiến hóa chung cho tinh thần vật chất, mở mang cái trí huệ, cho mọi người noi theo Thiên-Lý vận hành, mà tăng tiến mãi lên cho đến chỗ kỳ cùng mục đích là nơi nhứt định. Trong khoảng không gian ấy cũng có khi động tịnh, mưa nắng, hồi thanh quang minh bạch, lúc u ám vũ-vần; thì có khác chi Tâm con người, có khi động, khi tịnh, lúc ưa Đạo-Đức thuận Thiên-Lý lưu hành, còn có hồi lại thích vui vật chất, dẫy đầy lòng nhơn-dục gây mãi tội tình, cũng có sáng-suốt trí-huệ thông-minh mà cũng có ngu hèn, đần độn, dốt nát. Ấy là một sự Trung-Tâm điểm của Càn-Khôn vậy. Một Thế-giới hay là một Nước cũng phải có một Vị Chưởng-Quản quyền hành. Nước có dân, nhưng dân phải tuân mạng lịnh của Vua mà thi hành. Vị Đế-Vương ấy là “Trung-Tâm” của một Quốc-dân. Quốc-dân ấy đặng hạnh phúc lớn lao nhờ có ông Vua Minh-Quân cầm quyền thống trị, ưa Đạo-Đức của Thánh-Hiền, làm cho nước trị dân yên, gia vô bế hộ. Đời thái bình, lạc nghiệp âu ca, phong võ điều hòa, quốc dân cộng thành một đoàn thể lớn lao, giữ Đạo-Đức hiền từ mà làm thành lũy ngăn binh đón giặc, lấy gương minh-triết (Nhẫn-Hòa) để làm khí giới chống ngăn loài bạo ngược. Còn rủi Quốc-dân vô phước gặp phải hôn-quân, đắm mê Tửu, Sắc, Tài, Khí thì ngoại-quốc chư hầu khởi loạn, con dân trong nước oán thù. Lấy Lý ấy thì về Quốc-dân, vị Đế-Vương là Trung-Tâm cho xã hội. Còn với nhơn-loại, cái “Tấm lòng” lại là Trung-Tâm của con người, nó làm Chủ cho Nhơn-Thân mà điều khiển Ngũ-Quan, vận hành khí huyết. Cái Trung-Tâm Đạo ấy rất mầu nhiệm, thông linh làm cho con người được an vui trên con đường tấn hóa. Vậy người cần phải lấy cái Tâm làm Chủ-Tể, đừng để cho Tâm bị vật dục bế tắc, làm cho hư hỏng đi. Cái Tâm con người sáng suốt, quán cổ tri kim, hay khiến con người làm điều hay, sự phải, giục cho con người mến Đạo-Đức, chuộng tinh thần, biết thuận theo Thiên-Lý. Nhưng người phải nhớ lấy đừng cho lòng dục dấy lên, tội tình gây mãi. Cái Tâm thì là thiện, là sáng suốt; nhưng bị vật dục ngoài đưa đẩy vào làm cho choán cái thanh quang, sanh lòng quấy quá, mà cái Tâm thì tức là Tánh, Tánh tức Tâm. Người Quân-tử bao giờ cũng giữ cái Tâm cho thanh bạch tịnh an, không cho phóng túng chạy bậy ra ngoài. Biết cách gìn giữ cho định cái Tâm rồi thì trăm mạch, lưu thông khí huyết, nhơn-dục tịnh tận, Thiên-Lý lưu hành, Tâm Tánh không không, chẳng một vật chi dính vào. Ấy là “Vạn-Pháp quy tông, Ngũ-Hành hiệp nhứt” (duy tinh, duy nhứt). Chớ con người để cái Tâm buông lung thì sự chết một bên chơn, Quỷ Vô-thường chực rước. Vậy, người phải suy cạn nghĩ cùng. Thí dụ:
Con gà, con chó, nó rủi sẩy ra mình còn biết đi tầm kiếm nó về thay, lựa là cái Tâm mình tản lạc ra ngoài mà không biết đem trở lại sao? Tâm là cái kho chứa đồ. Nhưng kho chứa, khi đựng đầy rồi, không chứa đặng nữa; chớ cái Tâm chứa đựng bao nhiêu cũng đặng.
Con người nên Chủ cái Tâm, gìn cái Ý, mà bảo tồn lấy Tam-Bửu, Ngũ-Hành. Tam-Bửu là báu nhứt của con người; thành Phật Tiên cũng do đó, mà làm Ma Quỷ cũng tại đó. Trước khi muốn giữ Ba báu ấy thì cần phải bế Ngũ-Quan. Ngũ-Quan là: Nhãn, Nhĩ, Tĩ, Thiệt, Thân. Ngũ-Quan lại thuộc về Ngũ-Tạng, ăn với Ngũ-Hành.
Bế Nhãn-quan thì Tâm-Hỏa không bừng cháy, Bế Nhĩ-quan thì Thận-Thủy mới lưu hành, Bế Tĩ-Quan thì Phế-Kim phân chì sắt, Bế Thiệt-quan thì Can-Mộc chẳng đảo xiêu, Bế Thân-quan thì Tỳ-Thổ đặng sanh khí.
Cái báu của Nguơn-Tinh. - Con người biết cách gìn giữ đủ đầy thanh tịnh thì nó có thể làm cho Linh-Hồn minh mẫn, xác thịt an vui. Trong Tây-Du, Tề-Thiên hái trái nhơn sâm, không biết cách móc quèo, rung rẩy cho trái nhơn sâm ấy rớt xuống đất chun lọt hết, không còn trái nào, là tại không biết cách hái. Nhơn sâm ấy ăn đặng sống đến mấy ngàn năm, thiệt là Đơn-dược trường sanh bất tử. Trái nhơn sâm ấy hình thù giống hệt người ta. Trái nhơn sâm là chi? Là Nguơn-Tinh của con người. Biết cách hái nó thì còn, không biết cách hái nó thì mất. (để cho Tinh tẩu lậu ra ngoài là trái nhơn sâm chun lọt mất vậy). Còn Nguơn-Khí: - Con người mà làm mất cái Khí Hạo-Nhiên thì khó bề an ổn. Khí Hạo-Nhiên phải châu lưu vận hành, bao quát trong thân thể mà nuôi lấy Nguơn-Thần. Cướp đặng Khí Hạo-Nhiên vào trong thì Thành Đạo. THI Nhứt điểm “Trung-Tâm” Đạo Chiếu-Minh, Định ngôi Chủ-Tể đắc an ninh; Tánh cùng Thiên-Lý khai quan khiếu, Thủ chấp Chơn-Hồn khả bảo Tinh. THI BÀI Bảo Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần, Theo đường Trung-Đạo, thoát thân luân-hồi; Nghiệp duyên đoạn dứt cho rồi, Kiếp nầy phải chịu, quả nhồi mới mau. Đừng cho Tâm chí lãng xao, Co chơn nhảy khỏi bốn rào hãm vây. Ngày đêm bánh phép chuyển xoay, Làm cho Tam-Bửu đủ đầy minh quang: Khảm-Ly trở lại Khôn-Càn, Luyện Hồn, Chế Phách, vóc vàng ngoại thân. Hà xa quây nước biển dâng, Côn-đoài Ngọc chiếu, ba vầng hào quang; Chín từng, trên dưới mở dang, Nguơn-Thần xuất chánh, Ngũ-Quan bế rồi. Diệt trừ phiền não phục hồi, Tam-bành, Lục-tặc, khử rồi Tâm minh. Châu thân phẳng lặng như bình, Làm cho sáng suốt, Thần-Linh trung hòa, Mới rằng “Tứ-Tổ quy gia”, Âm-Dương hiệp Nhứt, Tam Hoa tụ về; Thì là đắc giác, trừ mê, Đơn-Thơ chiếu triệu hội về thọ phong. THI Phong tước Thiên-Tiên bảng ngọc đề, Giác rồi trở lại độ người mê; Vô-Vi biến hóa Thần-thông nhiệm, Cứu vớt Nguyên-Căn trở lại quê. Thầy ban ơn các con. Thầy thăng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét